Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

3 thói quen của Warren Buffett

Từ một cậu bé 7 tuổi lang thang khắp Omaha để bán Coca-Cola, Warren Buffett giờ đã là người đứng đầu đế chế Berkshire Hathaway có tổng tài sản 525 tỷ USD.

Dưới đây là 3 thói quen của huyền thoại đầu tư mà CNN cho rằng mọi người có thể học tập.

1. Không ngừng học hỏi

Trong bức thư thường niên gửi cổ đông Berkshire Hathaway, Charlie Munger - cánh tay phải của Warren Buffett đã chia sẻ về một trong những thói quen quan trọng nhất giúp ông có được thành công như ngày nay: "Buffett giới hạn hoạt động của mình xuống vài lĩnh vực để có thể tập trung tối đa vào chúng. Ông làm vậy 50 năm rồi".

Thực tế, Buffett đã tìm ra điểm mạnh của mình, "sống chết" với nó dù có khó khăn đến mấy và không ngừng mài giũa kỹ năng ấy.
warren-buffett-1799-1427710539.jpg
Warren Buffett được mệnh danh là "Nhà thông thái vùng Omaba". Ảnh: Daily Finance

Trong cuốn sách "Outliers", Malcolm Gladwell chia sẻ rằng, bất cứ ai muốn trở thành chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó, thì ngoài năng khiếu bẩm sinh, phải kể đến yếu tố khổ luyện. Bạn cần hy sinh ít nhất 10.000 tiếng đồng hồ để rèn giũa bản thân nếu trước khi trở thành chuyên gia thực thụ. "Luyện tập không phải là thứ bạn làm khi đã thành thạo, đó là thứ khiến bạn trở nên thành thạo", ông nói.

Ông đưa ra ví dụ về Bill Gates - trốn cha mẹ ra khỏi nhà mỗi đêm để học lập trình, hay ban nhạc the Beatles - chơi nhạc 8 tiếng mỗi ngày ở nhiều quán bar.

Buffett cũng vậy. Trong một bài phát biểu của mình, ông từng nói: "Ngày nào cũng như ngày nào, tôi dành rất nhiều thời gian chỉ để ngồi và nghĩ. Điều này không mấy phổ biến trong tác phong kinh doanh của người Mỹ. Tôi đọc và suy ngẫm. Cũng nhờ thế mà tôi ít khi đưa ra những quyết định bốc đồng. Tôi làm vậy vì tôi thích".
Không cần biết cuộc sống này đưa bạn tới đâu, hay nghề nghiệp của bạn là gì. Hãy luôn nhớ dù bạn học từ Buffett, the Beatles hay Bill Gates, tuy không thể hoàn hảo, sự miệt mài khổ luyện sẽ luôn giúp bạn tiến gần mục tiêu hơn.

2. Kiên nhẫn chính là chìa khóa

Năm 2003, Buffett từng viết: "Chúng tôi đã mua một ít cổ phiếu Well Fargo năm ngoái. Trong số 6 công ty mà Berkshire nắm cổ phần lớn nhất, lần gần đây nhất chúng tôi có giao dịch là Coca-Cola (1994), American Express (1998), Gillette (1989), Washington Post (1973), Moody’s (2000). Rõ ràng các nhân viên môi giới không thích điều này".

Trong thư gửi các cổ đông năm 2010, ông chia sẻ, để Berkshire có được thành công, "chúng tôi không chỉ phải làm tốt công việc hiện tai, mà còn phải tiến hành những thương vụ thâu tóm lớn. Đạn đã được nạp đầy đủ, và tôi cũng đã ngứa tay lắm rồi".

Nhiều người đã nghĩ rằng Buffett sắp có thương vụ cả 10 tỷ USD. Tuy nhiên, khi khối tiền mặt của Berkshire đã lên tới hơn 60 tỷ USD, ông vẫn quyết định chờ đến thời điểm thích hợp.
Nếu là trường hợp không cần suy nghĩ nhiều và thời gian là vàng bạc, rõ ràng việc nhanh chóng lao vào một thương vụ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Còn nếu không, hãy lùi lại một bước và kiên nhẫn chờ đợi.

3. Ghi nhận và tuyên dương những người xứng đáng

Một trong những điểm cuối cùng nên học hỏi ở Buffett là cách ông khen ngợi đội ngũ giám đốc. Trong bài phát biểu năm 2009 về Ajit Jain - người phụ trách mảng tái bảo hiểm tại Berskshire, cũng là ứng cử viên sáng giá thay thế Buffett, ông đã nói: "Nếu Charlie , tôi và Ajit cùng ở trên một chiếc tàu đang đắm và các bạn chỉ cứu được một người, hãy bơi về phía Ajit".

Hay khi ông viết về Todd Combs và Ted Weschler - người phụ trách những khoản đầu tư lớn của công ty, Buffett cho biết: "Trong một năm mà hầu hết các quỹ không thể "vượt trội" hơn S&P 500, Todd Combs và Ted Weschler vẫn làm rất tốt. Mỗi người đang quản lý hơn 7 tỷ USD. Một lần nữa phải thú nhận rằng, những khoản đầu tư của họ còn "chất" hơn của tôi. Nếu điều đáng xấu hổ này vẫn tiếp diễn, chắc tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thôi nói về họ. Todd và Ted - sự đóng góp của họ với công ty là vô cùng lớn, dù ở những vấn đề không liên quan đến các hoạt động đầu tư. Bởi tình yêu với Berkshire đã ăn vào máu họ rồi".

Cách ông biểu dương Tony Nicely năm 2005 cũng vậy: "Credit Geico (hãng bảo hiểm thuộc Berkshire) có một CEO tài ba, Tony Nicely. Năm ngoái, công ty này đã giành thêm thị phần, lợi nhuận thu về cũng rất đáng khen, và thương hiệu cũng ngày càng vững chắc. Nếu bạn có con trai hay cháu trai mới chào đời, hãy đặt tên thằng bé là Tony nhé".

Là người giàu thứ 3 thế giới với tài sản hơn 72 tỷ USD, Buffett ý thức được rằng, đ thành công như ngày hôm nay, sự đóng góp của những người khác cũng quan trọng như nỗ lực của chính ông vậy. Vì thế, dù đang ở chức vụ nào đi nữa, bạn cũng đừng quên gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp mình lên được vị trí đó.

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

5 phẩm chất của một CEO thành công

Adam Bryant, phụ trách mục “Góc văn phòng” của tờ New York Times, có thể cho các chủ doanh nghiệp nhiều gợi ý từ kết quả phỏng vấn hơn 70 lãnh đạo, Giám đốc điều hành (CEO) các công ty lớn do ông thực hiện. Adam Bryant đã phát hiện ra 5 phẩm chất quan trọng tạo nên một nhà lãnh đạo thành công.
5-pham-chat-CEO-thanh-cong-5

 Adam Bryant trong cuộc trò chuyện với sinh viên về tham vọng của các lãnh đạo doanh nghiệp. Ông chia sẻ khi một giám đốc điều hành thông minh được phỏng vấn thì các câu trả lời thường chung nhau là: "Nhược điểm lớn nhất của tôi là tôi làm việc quá sức và quan tâm quá nhiều."

Designs.vn xin giới thiệu với bạn đọc 5 phẩm chất của CEO được Adam Bryant tổng kết:


1. Biết đặt câu hỏi 


Các CEO- giám đốc điều hành thành công thường tự trang bị cho mình một công cụ mạnh mẽ và đắc lực trong quản lý: kỹ năng đặt câu hỏi. Andrew Cosslett, CEO của Tập đoàn khách sạn InterContinental, chia sẻ: “Dù công việc của một CEO – Giám đốc điều hành là đưa ra lời giải cho mọi vấn đề trong công ty, nhưng không phải lúc nào tôi cũng có sẵn câu trả lời. Tuy nhiên, tôi lại có thể đưa công ty đi lên bằng sức mạnh tổng hợp của mỗi thành viên chỉ nhờ đặt đúng câu hỏi cho nhân viên và để họ tự phát huy khả năng giải quyết vấn đề. Những bước tiến vĩ đại thường xuất phát từ những câu hỏi đơn giản, như những đứa trẻ 5 tuổi thường hỏi nhau: Tại sao bạn làm theo cách này? Tại sao theo cách này thì thành công? Có cách nào tốt hơn không?”

 5-pham-chat-CEO-thanh-cong-1


2. Dám đương đầu và vượt qua nghịch cảnh


Ở cương vị CEO thì tai nạn, thảm họa, nghịch cảnh luôn là điều họ phải vượt qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được phẩm chất này.

5-pham-chat-CEO-thanh-cong-6

Theo Nancy McKinstry, CEO của Wolters Kluwer, một công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và thông tin ở Hà Lan, thì lời giải cho bài toán trên là quan điểm sống và thái độ của CEO. Khi đứng trước nghịch cảnh, liệu việc đầu tiên họ làm là đổ lỗi cho hoàn cảnh hay tự tin rằng họ có khả năng làm chủ hoàn cảnh. Liệu họ có khả năng xoay xở bằng cách phát huy tối đa khả năng làm chủ những yếu tố trong tầm kiểm soát hay không.

Ngoài ra, thái độ dám chấp nhận thất bại và nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả cũng là một cơ sở quan trọng tạo nên một CEO cứng cỏi, dám đương đầu và vượt qua nghịch cảnh.


3. Phải như cầu thủ giữ nhịp trận đấu


Thu phục nhân tâm, xây dựng và lãnh đạo đội ngũ nhân viên là một công việc hết sức quan trọng đối với thành bại của một CEO và của cả công ty.

 5-pham-chat-CEO-thanh-cong-4

Ông Mark Pincus, CEO của Zynga Game Network, có một nhận xét khá thú vị: “Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy vai trò của CEO trong công ty cũng giống như cầu thủ giữ nhịp trận bóng đá. Họ luôn biết sở trường, sở đoản của đồng đội để chuyền bóng và nhận lại bóng sao cho thật nhịp nhàng. Và quan trọng hơn, họ luôn được đồng đội tín nhiệm”. Người đạt tiêu chí này là người mà trong cuộc họp, khi họ cất tiếng nói là đồng nghiệp không chỉ chăm chú lắng nghe mà còn tích cực tham gia vào nội dung thảo luận.

“Là lãnh đạo của công ty, tôi cần phải hiểu con người thực của nhân viên mình chứ không chỉ phẩm chất, năng lực của họ thể hiện qua các báo cáo định kỳ,” Susan Lyne, Chủ tịch Công ty Gilt Groupe, cho biết.


4. Có thể diễn đạt ý tưởng trong 10 từ


Một nhà lãnh đạo hiệu quả thường có tư duy gãy gọn và biết đâu là điểm cần tập trung. Nói một cách nôm na là họ có thể diễn đạt ý tưởng chỉ trong 10 từ. Lấy khả năng điều hành cuộc họp của Steven A. Ballmer, CEO của Microsoft, làm ví dụ. Không chấp nhận cách thuyết trình dài lê thê và không trọng tâm trước đây ở Microsoft, Ballmer đã quyết định thay đổi quy trình. Trước hết, ông chuẩn bị tài liệu và phát trước cho những người tham gia cuộc họp. Tại cuộc họp, ông không trình bày lại những gì đã có trong tài liệu mà chỉ nêu vấn đề và 3-4 câu hỏi trọng tâm để người tham gia tập trung giải quyết. Phương pháp mới này đã chứng tỏ được hiệu quả bởi nó giúp gia tăng sự tập trung và tiết kiệm thời gian.


5-pham-chat-CEO-thanh-cong-3


5. Dám mạo hiểm với sự thay đổi


Trong thời buổi đầy biến động như hiện nay, phẩm chất này đặc biệt đáng quý. Một CEO sở hữu phẩm chất này là người có khả năng: thoải mái trong những điều kiện không thoải mái, thích ứng với những tình huống không hề có lối đi vạch sẵn, dám thay đổi hay thậm chí xới tung mọi thứ lên khi mọi thứ có vẻ như đang ổn định, sẵn sàng xây dựng lại sự nghiệp để học hỏi thêm những điều mới. Nói tóm lại, một CEO như thế luôn sẵn sàng mạo hiểm với sự thay đổi.

5-pham-chat-CEO-thanh-cong-2

“Phẩm chất này rất quan trọng ở người lãnh đạo, bởi một công ty chỉ thật sự lâm vào ngõ cụt khi người lãnh đạo tự mãn với sự ổn định. Dám mạo hiểm với sự thay đổi tức là nhìn thấy cơ hội và dám phá vỡ lề thói nếu cần thiết cho sự phát triển bền vững của công ty. Đây là phương châm lãnh đạo ở Xerox trong những năm qua, đặc biệt là từ thời của cựu CEO Anne Mulcahy”, bà Ursula M. Burns, CEO của Xerox, nhận xét.

Giống như 4 phẩm chất đầu tiên, dám mạo hiểm với sự thay đổi là điều cần có ở nhà lãnh đạo và nó hoàn toàn có thể được bồi dưỡng theo thời gian. Những cá nhân sở hữu 5 phẩm chất quý báu trên sẽ tạo được sự khác biệt trong tổ chức. Họ là những người có thể mở ra những cơ hội mới cho công ty và cho chính bản thân họ.

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

"Tủ rượu" hay "tủ sách"



Năm 2012, trong một chuyến đi thực tế, một anh phóng viên hỏi một ông nguyên tổng biên tập người Đan Mạch về việc làm sao để Việt Nam phát triển như các nước Bắc Âu? Ngay lập tức, ông thì thào trả lời “đọc sách” với rất nhiều hàm ý.

Châu Âu có cuộc dịch thuật vĩ đại vào thế kỷ 11 - 12, làm nền tảng phát triển khoa học, văn hóa và phổ cập tri thức cho mọi tầng lớp xã hội. Trong ngôi nhà của họ, qua nhiều thế hệ, không thể thiếu một tủ sách. Dễ dàng nhận ra sách cũng là món hàng thiết yếu đối với họ. Các dịch vụ vận chuyển phân phát sách của Amazon vẫn tấp nập như việc giao sữa, phát báo mỗi sáng. Mỗi cuốn sách được coi như một sản phẩm chắt lọc mà mỗi người có thể nhận được những giá trị riêng tùy thuộc vào nhận thức của bản thân. Nói như nhà văn nổi tiếng người Mỹ Edmund Wilson, “không có chuyện hai người cùng đọc một cuốn sách giống nhau”. Theo nghiên cứu của Eurostat năm 2011, người Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển đọc khoảng 12 cuốn sách mỗi năm.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013, người Việt Nam trung bình không đọc được một cuốn sách mỗi năm. Tôi nói tới đây chắc sẽ có nhiều người đổ lỗi cho các phương tiện nghe nhìn lấn át. Không ai phủ nhận Internet như một cái chợ tự do về thông tin, tra cứu kiến thức. Truyền hình bùng nổ các nội dung giải trí đang thống trị thời gian rỗi của con người. Trong “ngôi làng toàn cầu”, nhiều người tìm đến sách điện tử bởi sự tiện lợi, tuy nhiên nhìn xung quanh chúng ta, bao nhiêu người Việt Nam dùng điện thoại smartphone, Ipad để đọc sách. Người dùng đang dần trở thành nô lệ của công nghệ thay vì trở thành người tạo ra công nghệ, nếu không có thói quen tiếp nhận tri thức của nhân loại thông qua sách vở. Tại một buổi hội thảo, một CEO phương Tây nói rằng anh ta không ngại sử dụng chiếc điện thoại Nokia rẻ tiền với chức năng nghe gọi cơ bản, nhưng sợ không đọc những cuốn sách hay và tự loại bỏ mình khỏi những cuộc đàm luận thú vị với bạn bè, đồng nghiệp. 

Sách nói ở đây không chỉ những tiểu thuyết giải trí, mà cả những tác phẩm cung cấp tri thức và các loại sách chuyên khảo. Tôi nhiều lần nhận được bài tập của sinh viên mà trong danh sách tham khảo không quá nổi ba cuốn chuyên khảo, và chỉ lật vài trang tôi biết được xào từ Internet. Nói rộng hơn, nhiều trí thức còn lười đọc sách thì đông đảo người dân xa lạ với sách là điều dễ hiểu.

Chúng ta biết rằng 40% chủ nhân các giải Nobel chính là người Do Thái, và bí quyết của họ là tạo thói quen đọc sách cho trẻ em từ nhỏ. Họ thậm chí còn ướp nước hoa lên sách để hấp dẫn trẻ em. Bàn về văn hóa đọc của người Việt Nam, nhiều người thường ví “tủ rượu” của người Việt và “tủ sách” của người Do Thái. Trong nhiều ngôi nhà ở Việt Nam, tủ rượu thường xuất hiện “bề thế” ở những nơi dễ nhìn thấy; trong khi tủ sách có thể không được dành cho một vị trí nào, dù là khiêm tốn.

Cuộc dịch thuật vĩ đại văn hóa và tri thức của phương Tây có thể được ví như mang lửa văn minh về khai sáng, khiến văn hóa đọc của họ bùng nổ, để có sự phát triển khiến thế giới nể trọng ngày nay. Nói như nhiều học giả, sách là nền tảng để chấn hưng đất nước. Nhà thơ, nhà văn Mỹ gốc Nga cho rằng: "Có những tội nặng hơn chuyện đốt sách. Một trong những tội đó là không đọc sách!”.
Phạm Hải Chung

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Nghệ thuật tạo sức hút cá nhân

Nghệ thuật tạo sức hút cá nhân có lẽ không phải là một bí mật gì to lớn cho lắm, nhưng liệu bạn có biết trước khi giao tiếp hiệu quả bạn phải biết tạo sức hút cá nhân? Bạn có biết làm cách nào để tạo cho mình một sức hút cá nhân mạnh mẽ để làm nền tảng cho việc giao tiếp?

1. Sức hút cá nhân là gì?


Khi tìm hiểu về một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa hoặc đơn giản là một người lãnh đạo được nhân viên yêu mến, nể trọng trong công ty, chắc bạn sẽ không ít lần tự hỏi: "Vì sao họ lại được như thế? Vì sao từ họ toát lên một sức hấp dẫn cá nhân mạnh mẽ? Vì sao mỗi lời họ nói ra lại có tác dụng hiệu triệu và kêu gọi nhiều người hưởng ứng?".


 suc-hut-ca-nhan-0


Đó chính là sức hút mà những người bạn đang tìm hiểu tạo ra với công chúng, hay bạn có thể xem đó là những người có sức hút cá nhân. Sức hút chính là thứ vô hình mà có thể làm cho mọi người muốn đi theo bạn, muốn ở bên bạn và muốn được bạn gây ảnh hưởng. Điều này đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với nhà lãnh đạo.


2. Vận dụng sức hút cá nhân sẽ giúp bạn dễ thành công hơn trong công việc


Sức hấp dẫn cá nhân được biểu lộ chủ yếu qua giọng nói, đôi mắt và bàn tay - những phương tiện giao tiếp cơ bản của con người. Ngoài ra, thái độ và tác phong của bạn cũng đóng một vai trò quan trọng. Ngôn từ được thốt ra có thể là vô nghĩa, nhưng âm điệu giọng nói (thanh) và sức mạnh của lời nói (khí) cũng như lòng nhiệt tình có thể quan trọng hơn rất nhiều so với việc lập luận và hùng biện.

Vì lẽ đó, một người có sức hấp dẫn lớn có thể không cần phải nói ra lời nào để lôi kéo mọi người về phía họ. Một ví dụ nổi bật cho điều này là ca sĩ nhạc pop Reverend Billy Graham. Anh đưa tâm hồn chúng ta bay bổng, hòa nhập vào Tạo hóa chỉ bằng một điệu bộ duy nhất - một cái liếc nhìn từ đôi mắt đầy biểu cảm hoặc bằng giọng hát du dương, êm ái. Cựu Tổng thống Franklin Roosevelt cũng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy trên vũ đài chính trị. Hãy coi chừng những kẻ tìm cách dùng sức hút của riêng mình để gây nên những kết cục mang tính hủy diệt.


suc-hut-ca-nhan-1

Billy Graham và Tổng thống Richard Nixon cùng nhau trên sân khấu tại một trong những cuộc thập tự chinh của nhà truyền giáo nổi tiếng 

Bạn cũng có thể tận dụng thế mạnh này nếu bạn biết cách bộc lộ sự tự tin, sức mạnh tinh thần và uy quyền của mình. Hãy trực tiếp đáp lại ánh nhìn của người khác, bắt tay họ thật chặt và nồng nhiệt, giữ giọng nói dễ chịu, thẳng thắn với âm lượng và âm sắc đủ mạnh để thu hút sự quan tâm, chú ý của người nghe. Hãy biểu lộ sức hấp dẫn của riêng bạn - và bạn sẽ thấy sức hấp dẫn đó có thể giúp bạn như thế nào! 


3. Sức hút cá nhân hoàn toàn có thể học được


Việc giao tiếp đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Giao tiếp tốt giúp bạn có được những mối quan hệ sâu sắc và giá trị, cũng như có thể tăng thêm sự hấp dẫn của chính bản thân. Tuy nhiên, không ít người gặp phải những vấn đề khác nhau trong giao tiếp, từ đó dẫn đến những rắc rối hoặc hiểu lầm với người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Liệu bạn đã từng rơi vào một trong các hoàn cảnh sau đây:


 suc-hut-ca-nhan-2

Ngại ngùng và cảm thấy thật sự khó khăn khi tiếp xúc với người lạ?
“Bí” đề tài để nói chuyện với người khác?
Người khác không hiểu ý của bạn và ngược lại?
Gặp khó khăn trong việc xây dựng những mối quan hệ thực sự chất lượng?
Nghĩ mình không giỏi trong việc giao tiếp và tạo cảm tình với mọi người?
Không dám đối diện để từ đó cố gắng hòa giải những xung đột?

Hãy đếm thử xem bạn đang gặp phải bao nhiêu vấn đề trong số những vấn để kể trên? Ngoài ra, bạn có gặp phải vấn đề nào khác trong giao tiếp nữa hay không?


3. Một vài phương pháp


Giao tiếp hiệu quả bắt đầu từ chính bạn. Có lẽ đó cũng không phải là một bí mật gì to lớn cho lắm, nhưng liệu bạn có biết trước khi giao tiếp hiệu quả bạn phải biết tạo sức hút cá nhân? Bạn có biết làm cách nào để tạo cho mình một sức hút cá nhân mạnh mẽ để làm nền tảng cho việc giao tiếp?

Trước hết, bạn cần nhận thức được bản thân, tính cách, ưu khuyết điểm và mục đích, lý tưởng sống của mình. Bạn cần ghi nhớ, nghệ thuật thu hút phải xuất phát từ cá tính của bạn chứ không phải sự giả tạo. Bạn phải là người dám đương đầu với mọi khó khăn trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi và không ngừng học hỏi; bởi tự bản thân tri thức và bản lĩnh đa có một sức hút nội tại rất lớn. Không cần là một chuyên gia nhưng nhất thiết bạn phải là người chuyên nghiệp, có khả năng nhận biết và xử lý vấn đề.

Bên cạnh đó, không cần phải có ngoại hình quá nổi bật nhưng bạn vẫn có thể tạo sức hút ngay từ vẻ bề ngoài: từ ánh mắt đến nụ cười, cách ăn mặc đến dáng vẻ đi đứng... Đặc biệt, hãy luôn kiểm soát thái độ của mình bởi thành công của con người nhiều lúc dựa trên thái độ hơn là năng lực. Vì vậy, hãy luôn luôn lạc quan và tránh biểu lộ những cảm xúc tiêu cực như u sầu hay nóng giận. Người có sức hút cũng là một bậc thầy trong giao tiếp, cả nói và viết, từ giao tiếp đơn giản đến những bài diễn thuyết, hùng biện. Những câu chuyện của họ không chỉ luôn đầy ắp thông tin và mạch lạc mà còn truyền cho người nghe sự nhiệt tình, niềm đam mê và cả lý tưởng sống. Chính điều ấy tạo nên sức hút đặc biệt cho người nghe, khiến họ tự động mong muốn đi theo hướng mà người nói đã nhắc đến.

Nghệ thuật thu hút còn đến từ cách bạn biết khơi gợi thiện chí của người đối diện, làm người khác yêu mến và cảm phục ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Bắt đầu từ những lời tán gẫu thân thiện, bạn cần nhìn ra mặt tốt của người khác để khéo léo khen ngợi hay khích lệ chân thành, đúng lúc. Cũng cần học cách khoan dung, chấp nhận, tránh chỉ trích trực tiếp mà hãy giữ thể diện cho người khác và thông cảm với những người chung quanh. Đặc biệt, bạn nên chủ động nói xin lỗi ngay khi làm người khác không dễ chịu.

Bạn đối xử với người khác như thế nào bạn sẽ được đối xử lại tương tự. Chính nhờ sự chân thành, bạn sẽ tạo được mối quan hệ rộng rãi, là cầu nối khi bạn cần giải quyết một công việc. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách lưu giữ những tấm danh thiếp, ghi chú và cất chúng cẩn thận. Một thói quen tốt nữa là gửi thư điện tử và tin nhắn trong vòng 24 giờ sau khi gặp gỡ. Điều này sẽ giúp người ta nhớ đến bạn khi họ có dự án cần đến kỹ năng của bạn.

Lịch sự khi giao tiếp, tôn trọng mọi người và có lòng tự trọng với bản thân mình, bạn sẽ xây dựng được một hình ảnh cá nhân tích cực, hấp dẫn và có thiện cảm.