Chủ tịch SSI: Năm 2013, thị trường có thể đạt mức 500 điểm
Người ta hay nghĩ tới con số 13 như một con số không may mắn. Nhưng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng năm 2013 không phải là một năm như thế.
Nhân dịp đầu năm mới Quý Tỵ, phóng viên NDHMoney
đã có dịp 'xông đất' CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) để trò chuyện với Chủ tịch
HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Duy Hưng.
Năm 2012, thị trường
chứng khoán (TTCK) nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung gặp rất
nhiều khó khăn, nhưng đã có những dấu hiệu tích cực vào cuối năm. Ông đánh giá
như thế nào về những dấu hiệu này?
TTCK đã trải qua một thời gian khó khăn có thể nói là kéo
dài nhất từ trước đến nay. Hai năm 2011-2012 chứng kiến nhiều “ung nhọt” đã vỡ,
nhiều “góc tối” của nền kinh tế và TTCK được phơi bày và những vết thương như
thế cần thời gian để liền sẹo.
Những chuyển biến tích cực của nền kinh tế và TTCK xuất hiện
vào cuối năm 2012 như lạm phát được kiềm chế, lãi suất giảm đáng kể, xuất khẩu
tăng, thanh khoản của TTCK được cải thiện…
Đặc biệt là Chính phủ và các cơ quan chức năng đã đề ra hàng
loạt những những động thái quyết liệt hơn để cải tổ nền kinh tế, tái cấu trúc
thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng. Những bước đi quyết liệt đó
thể hiện quyết tâm của Chính phủ và phần nào giúp phục hồi niềm tin của nhà đầu
tư.
Những tín hiệu tích cực trên rất đáng mừng, nhưng chúng ta
chưa nên lạc quan bởi giai đoạn mới sẽ vẫn còn khó khăn, dù ở mức độ ít trầm trọng
hơn trước đó.
Ông nhận định thế nào
về kinh tế Việt Nam năm 2013? Những thuận lợi và khó khăn gì đang đợi các doanh
nghiệp và nhà đầu tư ở phía trước?
Sang năm 2013, triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung vẫn tiếp
tục có nhiều khó khăn và khó có thể chuyển biến nhanh chóng. Đối với Việt Nam,
Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh hơn (5,5%) và lạm phát duy trì ở mức
thấp hơn năm 2012, nhưng chưa thể quá lạc quan về việc ổn định vĩ mô.
Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước,
đầu tư công được kỳ vọng có những diễn biến tích cực sau những động thái tích cực
và quyết liệt của Chính phủ.
Tuy nhiên, nếu một vết thương từ xương cốt khi được chữa
lành vẫn có thể phải chịu đựng những cơn đau nhức mỗi lúc “trái gió trở giời”
thì nền kinh tế cũng vậy, không thể ngay lập tức hoàn toàn vững mạnh và phát
triển. Những lúc thăng trầm sẽ vẫn có thể diễn ra.
Quá trình “tinh lọc” các doanh nghiệp đang diễn ra ngày một
mạnh mẽ. Những doanh nghiệp tiếp tục tồn tại sẽ là những doanh nghiệp đã trải
qua kinh nghiệm và thử thách, già dặn và vững chắc hơn trong mỗi bước đi tương
lai. Quá trình “sàng sẩy” này cũng là quá trình Chính phủ và Nhà nước “tinh lọc”
ngành nghề và doanh nghiệp.
Do đó, những hỗ trợ hữu hình và vô hình từ Chính phủ sẽ bớt
dàn trải, mà mang tính tập trung cao hơn cho những ngành nghề cốt lõi của nền
kinh tế và cho các doanh nghiệp còn tồn tại. Thị trường cũng có thể giảm bớt những
thành phần và chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh. Đó là thuận lợi của doanh
nghiệp.
Còn nhà đầu tư, họ cũng được trải nghiệm không ít kinh nghiệm
qua cơn khủng hoảng, thu nạp được nhiều bài học. Và hơn cả, họ cũng có được môi
trường đầu tư minh bạch hơn khi cuộc sàng lọc đã loại bớt những doanh nghiệp yếu
kém hoặc những doanh nghiệp “đỏ vỏ xanh lòng”.
Về vi mô, mặt bằng lãi suất, chi phí vốn sẽ tiếp tục được
ghìm ở mức thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận với nguồn
vốn giá rẻ. Tuy nhiên, họ cũng sẽ gặp phải những khó khăn khi sức cầu trong nước
còn yếu, khả năng cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế còn thấp.
Doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực hơn về mọi mặt khi các cơ
quan quản lý ngày càng cẩn trọng và chặt chẽ hơn trong các chính sách quản lý;
nguồn vốn tín dụng rót ra cũng dè dặt hơn.
Những vấn đề nóng của năm qua là tăng trưởng tín dụng thấp,
nợ xấu tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng... Là một chuyên gia trong
ngành tài chính, ông đánh giá thế nào về những tồn tại của nền kinh tế, làm thế
nào để giải quyết vấn đề này?
Chúng ta đã nói nhiều về nợ xấu và hàng tồn kho. Tuy nhiên,
vấn đề cơ bản và mấu chốt đó là nợ xấu. Hàng tồn kho có thể là món hàng bị giảm
giá nhưng vẫn còn thanh khoản, thậm chí khi giảm đến một mức nhất định thì
thanh khoản có thể cao trở lại. Còn nợ xấu là “món hàng” để thì không sinh lời
mà bán thì giá nào cũng không có người mua. Nợ xấu như chướng ngại vật không ai
muốn chinh phục, thậm chí còn muốn tránh xa, và do đó cản đường thu hút tín dụng.
Nợ cũ còn chưa trả được thì ai là người dũng cảm cho vay tiếp? Và nếu có cho
vay tiếp thì dòng tiền về cũng phải để thanh toán nợ xấu trước….
Bản chất của nợ xấu xuất phát chủ yếu từ tín dụng bất động sản.
Để giải quyết nợ xấu bất động sản thì giá bất động sản phải xuống đủ thấp phù hợp
với thu nhập của những người dân thực sự cần nhà ở. Đồng thời thu nhập của người
dân cũng phải tăng đủ để đem lại thu nhập hợp lý từ tiền cho thuê nhà của người
chủ sở hữu bất động sản.
Ngoài ra, lãi suất tín dụng phải giảm xuống mức đủ để người
vay tiền ngân hàng mua bất động sản cho thuê lại vẫn có lãi hoặc ít nhất không
lỗ. Như thế họ mới muốn vay tiền để mua bất động sản và người sở hữu bất động sản
mới bán được bất động sản hoàn trả nợ. Được như vậy thì tín dụng của ngân hàng
sẽ tăng trưởng, thị trường bất động sản được phá băng, tỷ lệ nợ xấu giảm bớt.
Tồn tại của nền kinh tế xuất phát từ việc chưa giải quyết được
đường ra cho các vấn đề nói trên. Do đó theo tôi, Chính phủ phải triển khai được
những phương cách làm giảm giá bất động sản, tăng thu nhập cho người dân và kiềm
chế lãi suất tín dụng ở mức hợp lý.
TTCK Việt Nam đã bước
sang tuổi 13. Theo ông, năm 2013 này thị trường sẽ phát triển như thế nào?
Người ta hay nghĩ tới con số 13 như một con số không may mắn.
Nhưng tôi cho rằng năm 2013 không phải là một năm như thế. Năm 2012 là năm đề
án tái cấu trúc TTCK được xây dựng và năm 2013 sẽ là năm triển khai thực hiện,
và việc triển khai thực hiện đó là để hướng tới những bước phát triển mới.
Có thể kể đến một số điểm nổi bật như hệ thống thành viên thị
trường kỳ vọng sẽ đi vào giai đoạn cuối của quá trình sàng lọc và đào thải. Hệ
thống văn bản pháp lý, quy chế, quy trình cũng đang được ban hành mới, chỉnh sửa,
cập nhật… rõ ràng và sát với tiêu chuẩn quốc tế hơn.
Thị trường sẽ xuất hiện thêm nhiều sản phẩm mới, tạo thêm cơ
hội lựa chọn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tính minh bạch của thị trường được kỳ
vọng sẽ cải thiện do những quy định, yêu cầu về thực hiện minh bạch ngày càng
khắt khe hơn.
Năm 2013, thị trường có thể đạt mức 500 điểm. Nhưng con số 500 điểm ấy
có thể rơi vào bất kỳ thời điểm nào trong năm chứ không nhất thiết là thời điểm
cuối năm 2013. Quãng thời gian tăng điểm vừa qua đã tạo mặt bằng giá mới
cho cổ phiếu song, theo tôi vẫn còn rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn. Thị
giá nhiều cổ phiếu hiện vẫn ở mức thấp, tạo cơ hội để nhà đầu tư mua cổ phiếu
có cơ bản tốt, như vậy lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều gửi tiết kiệm.
Gần đây, thị trường chứng
kiến khá nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập. Theo ông, trong lĩnh vực chứng
khoán, có khả năng xuất hiện những thương vụ như vậy hay không?
Không phải ngẫu nhiên mà dịch vụ tư vấn và cơ cấu M&A được
coi là sản phẩm “hiện đại” của một thị trường phát triển. Thương trường là chiến
trường nên “tồn tại” và “không tồn tại” là điều không thể tránh khỏi. Mua bán,
sáp nhập là quá trình tất yếu để đào thải bớt những thành viên yếu kém của thị
trường, nhưng vẫn phải tận dụng không lãng phí những điểm mạnh của họ.
Lĩnh vực chứng khoán cũng không ngoại lệ. TTCK Việt Nam còn
quá nhỏ bé cho con số hơn 100 CTCK hiện nay. Vì thế, chúng ta sẽ không ngạc
nhiên khi một hoặc một số CTCK nào đó sẽ biến mất sau những thương vụ mua bán
và sáp nhập trong thời gian tới.
Ông đã từng nói, mỗi
nhà đầu tư là một chiến binh. Theo ông, để thành công trên TTCK Việt Nam trong
giai đoạn tới, những chiến binh này cần trang bị cho mình những hành trang gì?
Đúng vậy, thương trường là chiến trường, và mỗi nhà đầu tư
là một chiến binh! Trong bất cứ giai đoạn nào của thị trường, và ở bất cứ thị
trường nào đều có nhiều rủi ro tiềm ẩn. Càng mong muốn lợi nhuận nhiều thì càng
phải chấp nhận đối mặt với rủi ro cao. TTCK Việt Nam không ngoại lệ, đặc biệt
khi độ minh bạch của thị trường còn thấp do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách
quan, đạo đức nghề nghiệp còn chưa được đề cao,…
Thị trường cũng đã qua rồi thời kỳ cứ bỏ tiền đầu tư là có
lãi, đầu tư theo phong trào. Do đó, để thành công, trước hết người chiến binh
phải tự trang bị cho mình đủ kiến thức để nhận biết rủi ro và biết quản trị rủi
ro, những hiểu biết cơ bản về chứng khoán và đầu tư chứng khoán.
Thứ hai, người chiến binh phải biết chế ngự lòng tham. Thực
tế đã cho thấy lòng tham là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mọi tổn thất và tổn
thương.
Thứ ba, là nguyên tắc và kỷ luật cuộc chơi. Tuân thủ nguyên
tắc và kỷ luật cuộc chơi sẽ giúp cho nhà đầu tư kịp dừng bước bên bờ vực thẳm.
Một lời khuyên cuối cùng và đơn giản hơn cả, đó là người chiến
binh có thể tìm cho mình một địa chỉ tin cậy, là nơi có thể giúp anh nhận biết
rủi ro và quản trị rủi ro, là nơi có thể tư vấn cho anh các thông tin hữu ích về
thị trường và là nơi cầm tay anh kéo lại khi anh đứng trước nguy cơ của lòng
tham…
Nhân dịp năm mới, nếu
được gửi 1 lời chúc đến tất cả nhà đầu tư chứng khoán nói chung, ông sẽ nói gì?
Tôi xin chúc cho tất cả các nhà đầu tư luôn là những chiến
binh sáng suốt, có những quyết định đầu tư cân bằng và phù hợp với tình trạng
tài chính của mình.
Chúc quý vị và gia đình một năm mới an khang, mạnh khỏe và
nhiều may mắn!
Xin cảm ơn ông .
Theo Quỳnh Chi
NDHMoney
0 nhận xét:
Đăng nhận xét