Thông điệp gửi tới Bầu Đức: ‘Bỏ bóng đá người’
Câu chuyện tưởng đã tạm lắng sau khi ông Alan Phan chấp nhận tranh luận với Hiệp hội BĐS Hà Nội thì mới đây nhất, chiều 5/4, ông chủ HAGL Đoàn Nguyên Đức, đồng thời cũng là một doanh nhân kinh doanh BĐS nổi tiếng lên tiếng phản kích với mũi nhọn là ông Alan Phan.
‘Bỏ bóng đá người’, đó là thứ bóng đá
xấu xí. Bất cứ người hâm một nào nếu được hỏi, chắc chắn sẽ đều phản ứng
với hành vi phi thể thao này. Xét dưới góc độ tâm lý học cũng như diễn
biến thực tế trên sân cỏ, thứ bóng đá xấu xí ấy thường được trình diễn
bởi một đội bóng bị ức chế, bế tắc trong chiến thuật, trong tìm cách
khơi thông đường vào khung thành đối phương hay đơn giản nhất, là đang
thua. Trừ phi thoát khỏi sự theo dõi của trọng tài, còn phần lớn hành vi
“bỏ bóng đá người” sẽ bị xử bằng một thẻ đỏ, nhẹ nhất cũng là một thẻ
vàng.
Qua nhiều thăng trầm, có những lúc trên
đỉnh cao vinh quang với hai chức vô địch liên tiếp, cũng không hiếm mùa
bóng ngụp lặn dưới đáy bảng xếp hạng V-league, thậm chí đối mặt với nguy
cơ xuống hạng nhưng Hoàng Anh Gia Lai – đội bóng phố núi của ông bầu
Đoàn Nguyên Đức luôn tồn tại trong mắt người hâm mộ với tư cách là đội
bóng luôn trình diễn với thứ bóng đá hào hoa, đẹp mắt. Chưa bao giờ HAGL
‘được’ xếp vào hàng các đội bóng có lối chém đinh chặt sắt và họ cũng
chưa từng có lấy một trận nào bị kêu ca ‘bỏ bóng đá người’.
Tranh biện sòng phẳng, nhưng đừng ‘bỏ bóng đá người’
Thậm chí, khi HAGL bắt tay với Arsenal
để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMC tại Pleiku, người hâm mộ càng có
thêm kỳ vọng vào thứ bóng đá hào hoa đẹp mắt của phong cách Pháp lai
Latin mà CLB bóng đá Anh đang sở hữu. Tôn sùng bóng đá đẹp, bầu Đức đã
không tiếc tiền rước về những ngôi sao hàng đầu, kể cả cầu thủ có lối
chơi nổi tiếng hào hoa với đôi chân ma thuật được cả Đông Nam Á tôn sùng
là Zico Thái – tiền đạo Kiatisuk.
Chơi đẹp trên sân cỏ, thế nhưng gần đây
trên sân chơi bất động sản, ông bầu của CLB này đã cùng một lúc mắc hai
lỗi: ‘Bỏ bóng đá người’ và rơi vào thế việt vị!
Đầu tiên là lỗi việt vị. Cách đây ít
ngày, cả giới kinh doanh bất động sản lẫn dư luận xôn xao với ý kiến của
một vị chuyên gia kinh tế nổi tiếng – TS Alan Phan – khi ông có bài
viết trên website cá nhân của mình: “Hãy để bất động sản rơi tự do”.
Không dám lạm bàn rằng vị chuyện gia này đúng hay sai, nhưng đó là một
góp ý về các giải pháp giải cứu bất động sản hiện nay với các luận điểm
khoa học, các dẫn chứng cụ thể.
Câu chuyện tưởng đã tạm lắng sau khi ông
Alan Phan chấp nhận tranh luận với Hiệp hội BĐS Hà Nội thì mới đây
nhất, chiều 5/4, ông chủ HAGL Đoàn Nguyên Đức, đồng thời cũng là một
doanh nhân kinh doanh BĐS nổi tiếng lên tiếng phản kích với mũi nhọn là
ông Alan Phan. Mở đầu, bầu Đức nói: “Tôi nghe câu nói của Alan Phan: Hãy
để cho nó chết đi!, tôi cho là cực kỳ thiếu văn hóa. Chúng ta là người
có học, tại sao lại nói như thế! Thiếu văn hóa! Đúng, nếu nó được coi là
một lời nguyền rủa! Tuy nhiên, trong ngữ cảnh Alan Phan đề cập, “Hãy để
nó chết đi” hóa ra lại là một điển tích khoa học kinh tế nổi tiếng:
Drop Dead! Năm 1976, TP.New York (Mỹ) cũng đang ngập chìm trong công nợ.
Thâm hụt ngân sách gia tăng cùng với việc sưu cao thuế nặng đã khiến
các doanh nghiệp bỏ chạy khỏi nơi đây. Đối diện với nguy cơ phá sản,
Thành phố kêu gọi chính quyền liên bang cứu trợ khẩn cấp. Nhưng Tổng
thống Gerald Ford trả lời với một câu nói đã đi vào lịch sử nước Mỹ:
“Drop Dead” (Hãy chết đi). Hơn 90% dân Mỹ đã hoan nghênh quyết định sáng
suốt này. Mọi thành phần có lợi ích ở New York đã chỉ trích chính quyền
liên bang sau quyết định nói trên. Nhưng họ cũng làm những gì cần phải
làm: cân đối ngân sách, xóa bỏ thủ tục rườm rà, năng động khuyến khích
doanh nhân làm ăn, kêu gọi đầu tư… 5 năm sau, tình hình đã ổn định trở
lại.
Theo ông Alan Phan, tình cảnh ở Việt Nam
hiện nay cũng tương tự như vậy. “Nếu hỏi tôi về các doanh nghiệp BĐS,
tôi cũng sẽ nói “Hãy chết đi”. Bất động sản sẽ đại hạ giá, tạo cơ hội
cho người dân có thu nhập trung bình mua được nhà đất”. Hãy để nó chết
đi, đơn giản là hãy để cho “bàn tay vô hình”, tức quy luật cung cầu,
giải quyết. Lý thuyết bàn tay vô hình của nhà kinh tế Adam Smith cho
rằng Nhà nước không cần can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, mà chỉ cần để
mọi thứ vận hành theo quy luật cung cầu. Thị trường là cái chợ, có kẻ
bán và người mua. Chợ chỉ vận hành tốt khi hai bên mua bán gặp nhau.
Hàng rẻ người ta mua nhiều, hàng đắt mua ít lại; hàng quá đắt thì không
mua; nếu hàng vừa đắt và dư thừa thì lại càng khó có người bỏ tiền ra
mua.
Lý thuyết “bàn tay vô hình” đã thịnh
hành suốt từ thế kỷ XIX đến nay. Dĩ nhiên, nó cũng có những thiếu sót.
Và người ta vẫn phải dùng đến nhà nước là “bàn tay hữu hình” thông qua
luật pháp, thuế và chính sách kinh tế để điều chỉnh nền kinh tế xã hội
kết hợp với cơ chế tự điều chỉnh để thúc đẩy sự phát triển về kinh tế xã
hội của đất nước.
TS Alan Phan, người ‘đối mặt với nhóm lợi ích’
Nhân nói về chuyện việt vị, một đồng
nghiệp khác của bầu Đức trên sân cỏ của thị trường BĐS, chủ tịch Hiệp
hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu, cũng vừa việt vị nặng. Thật không may cho
cá nhân ông Châu là ông đã hơi sớm khi đưa ra đề xuất “đánh thuế tiền
gửi tiết kiệm” để hướng người dân đầu tư vào BĐS. Chỉ sau đó ít ngày, vì
áp dụng đánh thuế tiền gửi tiết kiệm mà lập tức nền kinh tế Sip gần như
đã sụp đổ chỉ sau một đêm. Sự sụp đổ đó chỉ tạm dừng khi EU, ECB đưa ra
gói cứu trợ 10 tỷ euro vào phút chót.
Bỏ bóng đá người. Tranh luận là cần
thiết để đưa tới một xã hội văn minh. Trong phạm vi hẹp hơn, là cần
thiết để đưa ra một giải pháp, một quyết sách đúng đắn. Vì vậy, dù rất
gay gắt, nhưng tất cả những tranh luận cho ra lẽ cũng chỉ nhằm vào công
việc chứ không đả kích cá nhân. Họ phân biệt sự việc với cá nhân. Theo
“truyền thống” của người Việt trong tranh luận lâu nay, tật “bỏ bóng đá
người” đã làm mất đi không khí văn hoá của nhiều cuộc tranh luận.
“Alan Phan là ai? Trong lịch sử, ông ấy
đã làm gì cho đất nước Việt Nam? Đối với thị trường BĐS, ông Alan Phan
có dự án nào ở Việt Nam không? Câu trả lời là “không có”. Ông ấy có một
công ty nào thành đạt không? Câu trả lời cũng là “không”. Một người
không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì, giống như một người
không biết đá banh mà lại nói chuyện đá banh hoặc chẳng khác nào một cậu
sinh viên lại “lên mặt” dạy toán cho GS. Ngô Bảo Châu” – ông Đức tung
một loạt đòn tấn công về phía đối thủ.
Ở Việt Nam, Alan Phan là một chuyên gia
kinh tế, ông ấy không phải là một nhà đầu tư, vì thế không thể đòi hỏi
ông ấy có dự án, cũng không thể đòi hỏi về những thứ hữu hình khác.
Nhiều năm nay, chưa thấy cơ quan chức năng nào kết luận ông ta là một
chuyên gia “dỏm”. Nếu là một trọng tài, còn có thể phát hiện thêm lỗi
“đánh tráo khái niệm” khi so sánh một chuyên gia phát biểu về chính sách
với một sinh viên lên mặt dạy GS Ngô Bảo Châu.
Trên thế giới, từ Adam Smith cho các nhà
kinh tế nổi tiếng đoạt giải Nobel sau này, chưa ai trực tiếp kinh doanh
đúng nghĩa. Vậy tại sao cả loài người vẫn cứ phải đi nghe họ rao giảng?
Để phản bác Alan Phan, hãy nhằm vào các
luận điểm của ông ấy, không nên nhằm vào cá nhân. Công kích cá nhân
chính là hình thức đầu tiên và nguy hiểm nhất của thói ngụy biện vì nó
lái sự chú ý cảm tính của dư luận vào cá nhân người tranh luận thay vì
đưa ra các luận điểm khoa học.
‘Thực tiễn tại các quốc gia phát triển cho thấy tranh luận là điều cần thiết để kiến tạo một xã hội văn minh. Tuy nhiên, điều cần tránh nhất trong tranh luận chính là sự ngụy biện trong các lập luận. Gần đây, một bài viết về “Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện” đã nêu lên 50 hình thức khác nhau về ngụy biện, trong đó “hình thức thứ nhất” chính là “công kích cá nhân’. Nghệ Nhân, VnEconomy.vn. |
Nguyễn Thành Lân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét