Tuổi thơ của ông gắn liền với những ngày kinh hoàng khi phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
George Soros là người Do Thái,
sinh ngày 12/8/1930 tại Hungary, là con trai của một luật sư. Tuổi thơ
của ông gắn liền với những ngày kinh hoàng khi phát xít Đức tàn sát
người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Năm 1947, cậu bé
George Soros một mình sang thủ đô Luân Đôn.
Công
việc ban đầu của George Soros tại Anh là làm bồi bàn ở một hiệu ăn sang
trọng, khi cả gia đình đang phải sống bằng trợ cấp xã hội. 18 tuổi, với
số tiền kiếm được bằng nghề thu hoạch táo và sơn nhà thuê, George Soros
ghi danh vào Học viện Kinh tế London.
Sau giờ
học, ông còn phải làm người gác đêm ở một ga tàu hỏa. George Soros tốt
nghiệp trường Kinh doanh London vào năm 1952. Năm 1956, ông sang Mỹ đoàn
tụ với bố mẹ cùng các anh chị em và nhập quốc tịch Mỹ. Đây là nơi ông
bắt đầu khởi nghiệp với 5.000 USD ít ỏi.
Tại
New York, George Soros làm việc trong hai công ty chứng khoán trước khi
gia nhập hãng Arnold & Bleichroeder vào năm 1963. Năm 1969, sử dụng
250.000 USD của riêng mình và khoảng 6 triệu USD của các nhà đầu tư
không phải người Mỹ mà ông quen biết, George Soros thành lập một quỹ đầu
tư mạo hiểm nước ngoài, gọi là quỹ Soros.
Chẳng
bao lâu sau đó, George Soros rời bỏ Arnold & Bleichroeder và mang
đi quỹ Soros do ông thành lập. Mặc dù thập niên 1970 là những năm nghèo
túng của thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng quỹ Soros lại ăn nên làm ra.
Với
tư cách là người quản lý quỹ, George Soros tập trung tìm kiếm các lĩnh
vực bị đánh giá thấp hơn giá trị thật ở Mỹ và ở các nước khác. Ông mua
các cổ phiếu giá thấp không được ưa thích và bán non các cổ phiếu giá
cao được ưa thích.
George Soros đổi tên quỹ
thành Quantum Fund vào năm 1979. Quỹ này đã đạt lợi nhuận 103% với số
vốn lên tới 380 triệu USD năm 1980. Năm 1981, tạp chí Institutional
Investor gọi George Soros là "nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới". Tổng lợi
nhuận của Quantum Fund năm 1985 là 122% vì George Soros còn đầu tư vào
cổ phiếu nước ngoài và trái phiếu dài hạn của Kho bạc Hoa Kỳ.
Tất
nhiên không phải mọi hoạt động đầu tư của George Soros đều mang lại lợi
nhuận. Chẳng hạn như trong năm 1987, Quantum Fund lỗ tới 840 triệu USD
khi thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ và các nước khác sụp đổ vào tháng 10. Tuy
nhiên, quỹ này vẫn đạt mức tăng lợi nhuận trong cả năm này là 14%.
Khi
giảm dần vai trò quản lý quỹ của mình xuống, George Soros chuyển sang
viết báo, viết sách và làm từ thiện. Ông đã xuất bản một số cuốn sách về
tài chính và vấn đề toàn cầu hóa khá nổi tiếng như "The Alchemy of
Finance" (1987), Soros on Soros (1995), George Soros on Globalization
(2002)… George Soros cũng nhận được học vị danh dự từ nhiều trường đại
học danh tiếng thế giới như Đại học Oxford, Đại học Yale, Đại học Kinh
tế Budapest.
Từ những năm 1970, Soros liên tục
đóng góp cho các quỹ hỗ trợ sinh viên người da màu học đại học, đặc biệt
tại Nam Phi. Theo ước tính của tạp chí Time, tổng số tiền Soros đã chi
cho các chương trình xã hội tại Mỹ, châu Phi và Nga là khoảng 6 tỷ USD.
Theo
danh sách mới nhất của Forbes, George Soros hiện là tỷ phú giàu thứ 22
trên thế giới và thứ 12 của Mỹ với số tài sản trị giá 20 tỷ USD. Nổi
tiếng là nhân vật số một trong giới tài chính, George Soros được người
ta cho là có thể "một tay che cả bầu trời", làm mất giá bất kỳ đồng tiền
mạnh nào trên thế giới hay gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế bởi
những cư dân của Phố Wall và thị trường tài chính Luân Đôn luôn theo dõi
và sẵn sàng bắt chước ông.
Những quyết định
của ông thường xuất phát từ những nhận định nhạy bén về thị trường, từ
những phán đoán dựa trên những nguyên tắc kinh doanh đã đặt ra và sự
thực dụng của một nhà kinh doanh lão luyện. Tuy nhiên, đi kèm với những
thành công của Soros thường là những thất bại đau đớn của nhiều người,
của nhiều chính phủ trên thế giới bởi quyết định của ông có ảnh hưởng
rất lớn đến thị trường tài chính quốc tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét